Thị trường bất động sản Việt Nam đang đi ngược lại với nguyên lý phát triển thị trường là cần dòng vốn ổn định dài hạn. Hầu hết các dự án nhà ở hiện nay đều phụ thuộc vào nguồn vốn ngắn hạn duy nhất từ Ngân hàng.
Trong thời gian gần đây bằng nhiều nỗ lực nhằm vựng dậy, thị trường bất động sản đã có những khởi sắc ban đầu. Lượng giao dịch bất động sản tăng lên, nhiều dự án đã khởi công xây dựng trở lại, lượng tồn kho bất động sản giảm. Tuy nhiên, để thị trường bất động sản có thể phát triển ổn định, bền vững và lâu dài thì cần có chiến lược về nguồn vốn ổn định hơn.
Một thực trạng cần phải nhìn nhận là hầu hết các dự án nhà ở đều có nguồn vốn chủ yếu là từ ngân hàng và từ nguồn vốn huy động từ các nhà đầu tư thứ cấp thông qua hợp đồng góp vốn dễ bị đuối sức do nguồn vốn có hạn, nguy cơ dự án bị đình trệ cao. Nếu tình trạng có nhiều chủ đầu tư như vậy, khi thị trường bất động sản có nhiều thay đổi sẽ gây ra nhiều hệ lụy.
Theo thống kê, thì đa số doanh nghiệp BĐS sản ở Việt Nam có vốn không quá 1.000 tỉ đồng. Đa số doanh nghiệp bất động sản chỉ có vốn chủ sở hữu khoảng từ 15 – 20% tổng mức đầu tư dự án, còn lại là đi vay ngân hàng. Mà vốn ngân hàng là nguồn ngắn hạn. Thiếu nguồn vốn dài hạn khó có thể từ bỏ phương thức làm ăn manh mún, giật gấu vá vai để chuyển sang hoạch định chiến lược bài bản.
Thực tế thị trường địa ốc trong những năm qua vẫn phơi bày hậu quả là nhiều doanh nghiệp liều lĩnh đầu tư quá sức đến 20-30 lần vốn tự có, số còn lại vay lãi ngân hàng.
Đến khi bung bét, dự án đắp chiếu, chủ doanh nghiệp bỏ trốn hoặc bị bắt, kéo theo nhiều nhà đầu tư khác phải chôn vốn, cuối cùng nền kinh tế lãnh hậu quả.
Một vòng luẩn quẩn khác minh chứng cho tình trạng vốn bất động sản lệ thuộc vào ngân hàng đó là người mua nhà chỉ có một phần vốn đối ứng để mua nhà, đến khi thiếu tiền lại gõ cửa ngân hàng.
Như vậy cả doanh nghiệp và người mua nhà đều phụ thuộc vào nguồn vốn ngân hàng. Đây chính là sự bế tắc không thông của dòng vốn dài hạn.