Để nhận được giấy cấp chứng nhận đầu tư, nhà đầu tư phải làm rất nhiều thủ tục trong đó có tới 4 thủ tục thuộc diện “chưa cần thiết”.
Thực trang hiện nay cho thấy, các nhà đầu tư bất động sản có thể mất tới 160 ngày để hoàn tất một số thủ tục trước khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư.
Cụ thể, theo quy định của Luật Đầu tư, nhà đầu tư muốn thực hiện dự án bất động sản phải có được giấy chứng nhận đầu tư có ngành nghề kinh doanh là phát triển hoặc đầu tư nhà đất. Tuy nhiên, trước khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư, nhà đầu tư phải có được các tài liệu gồm: quyết định chỉ định nhà đầu tư; thiết kế cơ sở; phê duyệt quy hoạch tổng thể tỷ lệ 1/500 và văn bản chấp thuận đầu tư.
Những yêu cầu thủ tục gây sự chậm trễ cho các nhà đầu tư khi muốn thực hiện đầu tư xây dựng dự án. Thậm chí, khi đã đủ các giấy tờ trên thì một số nhà đầu tư vẫn gặp phải tình huống không nhận được giấy chứng nhận đầu tư.
Cần bỏ các quy định về các tài liệu trên, có thể bước đầu tiên là xác nhận về các thông số để phát triển dự án trên khu đất; còn tất cả các phê duyệt/chấp thuận khác có thể được hoàn tất ở các bước tiếp theo sau.
Theo Luật Đầu tư, nhà đầu tư cần phải xin cấp giấy chứng nhận đầu tư cho mỗi dự án mà nhà đầu tư tiến hành. Đối với các công ty có vốn đầu tư nước ngoài, cần phải sửa đổi giấy chứng nhận đầu tư hiện có của mình để bao gồm cả dự án mới.
Theo nhiều chuyên gia, quy định này là “rất phức tạp” do liên quan đến cả các yêu cầu về vốn, yêu cầu về thời hạn đầu tư và các yêu cầu về đầu tư khác của nhiều dự án. Rất khó khăn cho nhà đầu tư để có các yêu cầu cụ thể và rõ ràng cho một dự án mà không ảnh hưởng đến các dự án khác của nhà đầu tư.
Quy định này cũng gây ra nhiều vấn đề phức tạp trong trường hợp nhà đầu tư muốn chuyển nhượng một hoặc nhiều dự án chứ không phải tất cả các dự án mà mình được cấp phép tiến hành theo giấy chứng nhận đầu tư.
Chính vì vậy, nhóm đề xuất rằng cần đưa ra quyền chọn để nhà đầu tư có thể nhận các giấy chứng nhận đầu tư riêng rẽ cho từng dự án mà nhà đầu tư thực hiện. Khi đó nhà đầu tư có thể lựa chọn phương thức hiệu quả nhất để quản lý các yêu cầu về cấp phép của nhiều dự án.